Sau khi nhập địa chỉ email, vui lòng nhấp chuột vào "Đặt lại »". Chúng tôi sẽ gửi hướng dẫn đặt lại mật khẩu đến email của bạn. Vui lòng kiểm tra email và làm theo hướng dẫn.
Merci Tour - Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hữu tình, bởi văn hóa đặc sắc và con người chân thành, nồng hậu, SaPa còn dễ dàng “mê hoặc” bất cứ ai bởi những món ngon sơn dã ăn xong vẫn thèm. Nếu có cơ hội ghé thăm vùng đất mộng mơ này, đừng quên thưởng thức 7 món đặc sản nức tiếng dưới đây nhé!
>>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Sa Pa - cần biết những gì trước khi đi?
Bí kíp du lịch Sa Pa tiết kiệm nhất cho giới trẻ Sài thành
Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mong có nguồn gốc từ vùng núi Hà Giang. Đây là một trong những món đặc sản làm nên tên tuổi của ẩm thực xứ Tây Bắc này. Công thức chế biến thắng cố nghe thì đơn giản nhưng lại khá công phu. Đầu tiên, đem tất cả ruột non, lòng, phèo, phổi hay gọi chung là lục phủ ngũ tạng của ngựa đem nấu với xương, với tiết. Trước khi nấu, thịt và nội tạng được rửa sạch sẽ, luộc chín sau đó ướp với một chút gia vị cho ngấm rồi thả vào nồi nước dùng đã ninh xương.
Bên cạnh đó, để món ăn hãm phần nào vị hoi hoi và ngấy, các đồng bào dân tộc còn thêm vào đó chút rau, chút ngô và các loại hương liệu thiên nhiên như gừng, vỏ quýt, thảo quả, hoa hồi, sả, lá chanh, quế chi,... Tính sơ sơ cũng chừng hơn 10 thứ gia vị truyền thống. Tất cả được ninh nhừ hàng giờ đồng hồ cho ngấm đẫm gia vị.
Trước kia, món ăn này được chế biến từ các thành phẩm của ngựa tuy nhiên hiện nay, người dân đã cải biến đi với cả trâu, bò. Hương vị hơi khác đôi chút thế nhưng đủ để chiều lòng bất cứ thực khách nào. Khi ăn, thắng cố sẽ có mùi hơi nồng một chút, bạn sẽ chưa quen lắm. Thế nhưng, khi nêm nếm từng chút sẽ cảm nhận được sự bùi bùi, vị thơm từ hương liệu tỏa ra thơm ngát dễ chịu vô cùng. Bạn có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối cho vừa khẩu vị của mình.
Người ta vẫn thường nói vui với nhau là đừng bao giờ thử Thắng cố SaPa, tại sao vậy? Bởi vì ăn một lần là muốn thử lần 2, lần 3, là nghiện luôn hương vị bùi bùi này đấy!
Món ngon dễ “gây thương nhớ” thứ 2 trong danh sách này chính là lợn (heo) cắp nách. Cái tên “cắp nách” sở dĩ bắt nguồn từ tập quán chăn nuôi, người dân thường cắp một chú lợn nhỏ nhắn khoảng từ 8 - 12kg ở nách đem xuống chợ phiên bán. Sau đó, người mua lại cắp nách đem về làm thịt và chế biến. Giống lợn này thường được thả rông cho tự kiếm ăn trên sườn núi lên thịt rất chắc và thơm. Khi làm thịt, người ta sẽ làm sạch, sau đó tẩm ướp gia vị rồi đem cả con đi quay trên lửa than hồng. Xoay trên than nóng chừng hơn 1 giờ đồng hồ, thấy lớp da vàng ruộm rồi chảy từng dòng mỡ xuống xèo xèo chính là lúc thịt đã chín.
Cắn một miếng, bì giòn tan và thơm phức, thịt lại vừa mềm, vừa ngọt lại săn chắc. Quệt thêm chút nước chấm sốt nữa thì còn gì tuyệt vời bằng. Nhất là những ngày tiết trời mát mẻ hay sang đông, nhâm nhi cút rượu cùng vài miếng thịt lợn cắp nách thơm, ngon mới thỏa mãn cõi lòng làm sao!
Một số địa chỉ để thưởng thức lợn cắp nách ngon bậc nhất dành cho bạn là: Quán A Phủ, Hoa đồng tiền, Dũng trâu, Phương ngoan, Hoa đào, Xưa và nay, Rừng chiều, Phong quán,...Mức giá dao động từ 50.000vnđ - 1.000.000vnđ.
Không riêng gì SaPa mà vùng đất Tây Bắc đều được biết tới với món đặc sản này - thịt trâu gác bếp. Để làm món này ngon, trước hết phải chọn nguyên liệu chuẩn. Những miếng thịt to bản thường là bắp vai hoặc thăn, lưng đem tẩm ướp với các loại gia vị bao gồm lá mắc khén giã nhỏ, hạt chuối giã nhuyễn và bột ớt, muối hột. Sau đó đem treo trên gác bếp từ 8 tháng đến 1 năm. Công thức khá đơn giản nhưng để tạo ra được thành quả lại vô cùng kỳ công.
Nhìn bên ngoài, những miếng thịt trâu gác bếp có màu sậm nếu không muốn nói là đen. Tuy nhiên, khi xé từng thớ ra, phía trong thịt lại có màu đo đỏ rất bắt mắt. Chấm với chút tương ớt hay chẳm chéo rồi thưởng thức, ta nói mới đã làm sao. Vị ngọt của thịt xen chút cay nồng của ớt, hương thơm của mắc khén rồi một chút khói củi hòa quyện với nhau. Đảm bảo ăn đến đâu là xuýt xoa đến đấy!
Không chỉ thưởng thức ở SaPa, bạn cũng có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè, rất tiện lợi, lịch sự mà ai cũng quý cũng mê. Mức giá dao động từ 800.000vnđ - 1.200.000vnđ.
Ai bảo chỉ vi vu nơi miền sông nước hay những vùng đất ven biển mới được thưởng thức hải sản, SaPa cũng có 3 món ngon đến từ cá nằm trong danh sách đặc sản đấy. Đó là cá suối, cá hồi và cá tầm. Cá suối tức là loài cá sinh sống trên các con suối ở vùng cao. Đây là tên gọi chung của nhiều loài cá khác nhau, chúng có kích thước chỉ khoảng 2 - 3 đốt ngón tay. Do có nhiều xương nên người dân nơi đây thường đem chiên giòn chứ không đem nấu hoặc hấp. Thịt cá rất ngọt và đặc biệt là không hề có vị tanh, đây là điều hấp dẫn nhất mà chỉ cá suối mới có.
Không giống như cá suối được phát triển tự nhiên, cá hồi và cá tầm được người dân nuôi trong môi trường nước lạnh. Với khí hậu mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, chất lượng của cá hồi và cá tầm SaPa không hề thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cá có thịt chắc, thớ thịt săn, không mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari…, nhưng nổi bật nhất là các món lẩu, gỏi, nướng, xào nấm hương,... Ghé vào bất cứ quán ăn nào trên SaPa, bạn cũng sẽ thấy trong thực đơn có món ăn liên quan tới cá tầm, cá hồi. Thế mới thấy, sức hút của thức đặc sản này lớn đến nhường nào!
Có nguồn gốc từ người Hoa, khau nhục khá giống với món thịt kho của người miền xuôi tuy nhiên chúng lại khác nhau cả về cách chế biến cũng như hương vị. Nguyên liệu để làm nên món ăn “khổ nhục mới thành” này là thịt lợn ba chỉ (ba rọi), ngũ vị hương, húng, tỏi, ớt, dấm, bột ngọt, hạt tiêu, rượu,... Sau các giai đoạn kỳ công chế biến từ chiên, luộc, quay cho ngấm gia vị, tất cả được đem hấp cách thủy lần cuối đến khi miếng thịt mềm nhũn ra.
Miếng thịt mềm mềm cứ thế tan ra trong miệng quyện cùng hương của các loại gia vị mới thơm ngon khó tả làm sao. Thêm chén cơm nóng hổi nữa thì còn gì tuyệt vời bằng giữa những ngày thu dịu mát như này nhỉ?
Trong khi tất cả những đặc sản trên đều là thịt, là cá thì xôi bảy màu như một thức đặc biệt nhất. Không béo ngậy cũng chẳng nức thơm, xôi chỉ có hương thơm nhè nhẹ của nếp nương Tây Bắc quyện cùng hương lá dong để gói thật đủ khiến ai cũng phải mê mẩn.
Nói là xôi nhưng để làm nên món ăn này, người dân phải đi vào tận rừng sâu để tìm kiếm các loại lá mang màu sắc khác nhau. 7 màu sắc chủ đạo là: Vàng, đỏ, đỏ thẫm, xanh chuối, xanh cửu long, trắng, tím. Xôi ngon nhất khi được chấm cùng muối vừng đen, hoặc chẳm chéo, có thêm miếng thịt rừng nướng nữa thì không còn gì sánh bằng. Không chỉ ngon miệng, đây còn là món ăn bổ dưỡng bởi chứa nhiều vị thuốc từ các lá cây rừng. Được xem là đem lại may mắn, tốt lành, là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, tết.
Nếu đã đặt chân tới SaPa, bạn đừng bỏ lỡ ghé thăm phiên chợ Tình mà cũng đừng lỡ hẹn với thức đồ nướng nổi tiếng trứ danh tại nơi đây nhé! Đồ nướng là tên gọi chung của những xiên ba chỉ nướng, cánh gà, bò cuốn cải mèo, chả cá, viên xiên nướng hay trứng nướng. Những xiên nhỏ xinh đủ màu sắc được lật đều đều trên lửa hồng, kêu xèo xèo rồi hương thơm cứ thế lan tỏa ra. Quệt chút tương ớt rồi đánh chén thôi!
Giữa tiết trời thu mát mẻ như thế này hay những ngày đông giá rét, còn gì thích thú bằng việc sưởi ấm cả con người và tâm hồn với những chiếc xiên này chứ! Đảm bảo xuýt xoa xì xụp luôn đó nhé!
Thế nào, 7 món ăn trên đây đã đủ sức thuyết phục để bạn thu xếp một chuyến vi vu SaPa chưa nhỉ? Thời tiết sang thu chiều lòng người như này, không đi quả là tiếc nuối lớn đấy. Nếu có bất cứ nhu cầu thông tin chi tiết về lịch trình, kinh nghiệm du lịch hay đặt tour du lịch SaPa, vui lòng liên hệ Công ty du lịch Merci Tour để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất nhé! Chúc bạn có một kỳ nghỉ tuyệt vời với những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời!
Theo Mercitour.com
Gọi điện để được tư vấn
035.889.5689
0762.497.268
Hoặc gửi email đến địa chỉ info.mercitour@gmail.com để được hỗ trợ